Chắc chắn nhiều người trong chúng ta đã từng nghe qua “thiền”, hay “chánh niệm”. Ý nghĩa của thiền thì khá dễ hiểu và gần gũi với đời sống con người, còn “chánh niệm” lại là một cụm từ tương đối xa lạ, nhưng chúng cũng đang dần len lỏi vào cuộc sống của mỗi người hiện đại ngày nay.
Chánh niệm hay chính niệm được dịch từ sammā sati (tiếng Pali), trong đó, sati có nghĩa là niệm. Từ chánh niệm nếu dịch từ chữ Hán “正 念” có nghĩa là tâm ghi nhớ những điều xảy ra ở hiện tại.
Còn trong tiếng Pali, sati có nghĩa là: ghi nhớ, sự nhớ, ghi nhận. Từ sammā thường dịch là chánh, chơn, đúng. Ngoài ra, sammā còn có nghĩa là đúng đắn, thích hợp, toàn diện, hoàn toàn, trọn vẹn… tức là một điều gì đó xuất hiện trước mắt bạn như thế nào thì bạn ghi nhận nó như vậy, không phân tích, không phán xét dựa vào cảm tính hay tư duy chủ quan của mình.
Như vậy, chánh niệm được hiểu là ghi nhận, là chú tâm một cách trọn vẹn, toàn diện những gì đang có mặt, xảy ra, bất kể đối tượng ấy đẹp hay xấu, tròn hay méo, ác hay thiện.
Trong Phật giáo nguyên thủy, chánh niệm là trái tim của thiền tập, là nguồn năng lượng quán chiếu mà bất kỳ một thiền giả nào cũng không thể thiếu. Nó là cột trụ, là cốt tủy trong đạo Phật, tức là dù bạn tu theo bất cứ pháp môn nào thì điều tiên quyết đầu tiên chính là phải thực tập cho mình có chánh niệm.
Bốn nền tảng của Chánh niệm là Tứ niệm xứ, có nghĩa là thiết lập, xây dựng chánh niệm tỉnh giác hay chánh niệm hiện tiền. Phương pháp này giúp con người đạt đến sự giác ngộ viên mãn về tâm tỉnh thức.
Thông thường, thực hành thiền quán (chánh niệm) thường sẽ tập trung: quán thân trong thân, quán cảm giác trong cảm giác, quán tâm trong tâm, quán pháp trong các pháp; với nhiệt tâm, tỉnh giác, và chánh niệm, bỏ đi mọi tham ái và ưu tư dành cho đời.
Quán chiếu về thân: Bao gồm sự tỉnh giác trong hơi thở (thở ra – thở vào); tỉnh giác trong 4 dạng cơ bản của thân (đi, đứng, nằm, ngồi); tỉnh giác trong mọi hoạt động của thân thể, quán sát 32 phần thân thể (tóc, lông, da, thịt, xương, thận, gan, mủ, máu, mồ hôi, nước mắt…), quán sát các yếu tố tạo thành thân thể cũng như thiền quán tử thi.
Quán chiếu về cảm giác: Là những cảm giác, cảm xúc trỗi dậy trong tâm, có thể là dễ chịu, khó chịu, hay trung tính.
Quán chiếu về tâm: Là chú ý đến các ý nghĩ đang hiện diện trong đầu, biết rõ nó là tham hay vô tham, sân hay vô sân, si hay vô si; biết rõ tâm quảng đại hay không quảng đại; tâm hữu hạn hay không hữu hạn, tâm định hay không định, tâm giải thoát hay không giải thoát, tâm cao thượng hay không cao thượng…
Quán chiếu về pháp: Là biết rõ mọi pháp đều phụ thuộc lẫn nhau, điều vô ngã, biết rõ 5 chướng ngại (tham lam, sân hận, trạo cử, hôn trầm và nghi ngờ) có hiện hữu hay không, biết rõ con người chỉ là ngũ uẩn (nhóm tượng trưng cho 5 yếu tố tạo thành toàn bộ thân tâm con người) đang hoạt động, biết rõ gốc hiện hành của các pháp và hiểu rõ tứ diệu đế (những sự thật của bậc thánh).
Chánh niệm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nó “đánh thức” con người dậy để nhận thấy sự thật rằng, sự sống của ta chỉ có mặt trong giây phút hiện tại mà thôi. Nếu chúng ta không sống trọn vẹn trong những giây phút ấy, ta sẽ bỏ qua những thức quý báu nhất trong đời, những cơ hội giúp ta trưởng thành và chuyển hóa trong suy nghĩ.
Chánh niệm cũng là phương pháp giúp con người làm chủ được hướng đi và phẩm chất của đời mình, nhất là trong các mối tương quan giữa gia đình, xã hội, rộng hơn là thế giới, đặc biệt nhất là với chính bản thân mình.